Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2010

Yêu những MÙA ĐÔNG ẤM (p1)

Người ta bảo rằng “Có thức đêm mới biết đêm dài”. Tự thấy rằng có đi tới tận những nơi xa xôi mới thêm hiểu và yêu.

Tình yêu thật rộng lớn. Yêu mỗi con đường mà ta đi qua, dù đường là mấp mô hay là bằng phẳng. Yêu mỗi cành cây, ngọn cỏ và màu xanh thiên nhiên diệu kỳ của đất nước mình. Yêu những con người trong khó khăn, đói nghèo vẫn mang nụ cười lấp lánh. Yêu những người bạn thân thiết, gắn bó, đến với nhau bằng chính tình thương với cả cộng đồng. Mỗi bước chân trên con đường của riêng mình là thêm một yêu thương dịu ngọt.

Những ngày… quắn đít

Sát thời điểm lên CB mà còn không biết bao nhiêu việc. Nào giấy tờ, băng rôn, in ấn, chứng nhận, áo đồng phục, website, hậu cần, danh sách TNV… Nhưng khoản gay go nhất là phân loại quần áo. Ở vào cái thời điểm mà hầu hết TNV đang thi học kỳ hoặc đang học quân sự thì việc phân loại quả là như một trái bom hẹn giờ nằm chình ình ngả ngớn. Quần áo từ các kho lẻ cứ thế dồn về kho chính, cao ngất ngưởng và mỗi lúc một bộn bề như là thách thức.

Những ngày cuối cùng trước khi xuất phát hành trình, 12 con người bận rộn, đứa đi học, đứa đi làm vẫn cứ rộn ràng í ới gọi nhau tới phân loại quần áo cho kịp chuyến đi. Công ty ở 152 Thụy Khuê, ngay gần kho của MDA. Thế là cứ ngồi ở công ty độ nửa tiếng, nóng ruột, lại chạy sang kho giúp phân loại hơn một tiếng, rồi lại về công ty, lại sang kho. Cả ngày cứ như con thoi. Áo len cũng cởi phăng ra để mặc áo phông cộc tay đồng phục MDA. Mọi người nhìn thấy con bé mặc áo cộc trời đông thì hoảng hốt: “Khỏe thế!”.

Ngày 21 thì loay hoay “cài đặt” cho các anh chị vtv3 làm chương trình Công dân toàn cầu. Ai cũng vội cả. Hô hào ráo riết vừa mail vừa spam vừa yahoo vừa điện thoại và không loại trừ bất cứ đối tượng nào. Với tinh thần “thà spam nhầm còn hơn bỏ sót”, tin nhắn được phát tán tới gần 300 friends của tất cả những group “liên đới” như HGF, AJC, OJ24, MDA, Vicongdong, Volunteer, Những người bạn khác, Hầu như không liên lạc… Kết quả: hơn 10 người – con số không hề nhỏ trong thời điểm “khát nhân lực” này. Những chiếc bao tải bốc từ xe anh Hữu cứ lừ lừ tiến vào nhà anh Hùng Sihan. Kho dần đầy cũng là lúc lẩm nhẩm tính trong đầu thì mỗi buổi phải liên tục có tối thiểu dăm người ngồi phân loại mới xong kịp được.

2h sáng 25 xe tải xuất phát, thế mà chiều 23 vẫn còn tới vài chục bao tải chưa phân loại xong. Cái mớ bòng bong lộn nhộn quần quần áo áo, rồi khăn, tất, mũ… cả đồ mới xếp và đồ để lại nhìn cũng đã muốn ngất. Nhiều khi anh em phải bổ sung cụm từ “chí trá” trong quá trình phân loại, dù chả ai thích nó cả. Thế mà nhờ sự lao động cật lực của TNV, sự chèo kéo của Linh Long Sơn, sự thông tin nhanh chóng của UniQ, những con người nhỏ bé dốc toàn lực để phân loại xong toàn bộ đồ quyên góp trước 20h ngày 23/12.

Những cụm từ lặp lại tới mỏi cả tai là: “Thêm bao nữa đi”, “Rút bao đi”, “Nhét vào bao này”, “Nam 5-10 ở đâu?”, “Cái này nữ 10-15 à?”, “Tôi cũng chỉ biết ơ mà thôi”, “Hóa ra cũng chỉ là tin đồn”. Đặc biệt, giọng hét chua lòm của em Quỳnh và tiết mục adua “Kinh kinh tởm tởm” với em Tâm khiến cho tất cả cười nhức cả đầu.

Phân loại và đóng bao xong, tính ra được 120 bao tròn trịa. Xếp gọn, quét tước rồi họp Ban điều phối ngay tại kho. Những ngày này trông ai cũng phờ phạc dù miệng vẫn cười toe. Thấy những yêu thương và chia sẻ đang hầm hập sức nóng, trôi chảy trong những con người mà tuổi đời chưa ai quá 27.

Tuấn ngố trông lúc nào cũng ngố ngố, bần thần. Tùng Sơn lúc nào cũng xơ xác như chạy chợ, đầu tóc bù xù, râu ria lún phún, nụ cười già hơn tuổi. Long yêu độ này ốm o, tiều tụy một chút nhưng cái mồm vẫn hót như yểng. Linhye vẫn giữ cái vẻ nửa tây nửa dân tộc, mỗi năm sản xuất ra một số “phát ngôn” kinh điển và luôn được bà con trưng dụng triệt để như câu cửa miệng. Deb bận rộn với đủ thứ hóa đơn và hậu cần lỉnh kỉnh nhưng vẫn lắm mồm, vác theo cả con Fox Bobby. Deb đi đâu Bobby theo đó, cứ đứng chình ình giữa hai chân Deb. “Bobby chắc thích bắt bướm”.

Họp ở kho bị đuổi, lại dạt ra trà đá, xong đói, lại dạt về quán bánh bột lọc làm mỗi thằng một bát nóng bốc khói. Cũng ra một số vấn đề để giải quyết trong ngày hôm sau. Vào thời điểm này thì danh sách TNV chưa chốt nên chưa làm bảo hiểm được, chưa in thẻ được. Lịch trình cũng chưa thực sự rõ ràng. Cái gì cũng dở dang sao ấy.

Ngày 24, buổi sáng tất tả đi làm, quắn hết cả đít lên vì chuẩn bị giấy tờ, làm báo cáo truyền thông, chuẩn bị nhạc nếu phát sinh giao lưu địa phương. Liên tục “tác vụ” điện thoại từ Tuấn, Sơn và Deb cứ như thầy u mình thời chiến. Hẹn bà buôn chăn là 152 Thụy Khuê thì bà ấy “mù tịt” về đường xá, chạy sang… Khâm Thiên (chả liên quan!), mà Khâm Thiên lại còn có đoạn không cho xe tải vào mới đau chứ, lại còn đúng giờ tắc đường chứ. Thế là ngóng dài cổ từ 9h, bắt Sơn với Thuận đợi mòn mỏi mà phải 10h30 chăn mới tới.

Vứt chăn ngoài đường cho hai ông tướng lo. Nhảy lên… thùng của cái xe tải chăn (loại xe 7 tạ) cùng với bà buôn chăn để đi thanh toán với nhà tài trợ bên Trần Quốc Toản. Ông tài xế bịt thùng xe kín mít với cửa và bạt. Tối om. Xung quanh là ngồn ngộn những chăn bông với gối, xô lệch liên tục, mấy lần bị cả cọc chăn 12 chiếc táng vào đầu. Lắc lư. Đã thế, ông lái xe cùng ấm ớ về khoản đường xá, chốc chốc lại phải gọi điện từ thùng xe ra ngoài để chỉ đường. Đến nơi, vén miếng bạt ra, bao nhiêu người nhòm ngó vì tưởng ông tài xế đi… buôn gái! Thanh toán xong, nhảy xe ôm 25 nghìn về Công ty. Lúc ấy hơn 11h, có một cái hẹn ăn trưa – khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi quý giá nhất và duy nhất trong ngày.

Đến chiều thì chờ tiền ở Công ty ủng hộ chương trình và mua được 1.500 quyển vở Hồng Hà. Các chị ở ban PR, ISO và Công đoàn đã vất vả chạy quyên góp (chóc nã tiền), người thì gọi điện check giá, tự dưng thấy mình bé bỏng mà lại như là trung tâm chăm sóc của các anh chị.

Gọi vở vài chỗ, chỗ nào cũng kêu là kho hiện không có đủ từng ấy. Chắc thời điểm này lỡ cỡ, không phải năm học mới. Mãi thì Hồng Hà ở Kim Mã bảo rằng có. Ông xe ôm chở hàng tới. Đường Hà Nội đúng lúc tắc đường, lại dính Noel nên phố phường nhộn nhịp từ giữa buổi chiều. Trời tối dần. Nắng tắt. Gió lạnh, và lạnh hơn khi ở gần hồ Tây. Đợi hai lượt chuyển vở đến gần 7h mới đủ 1.500 cuốn. Gọi Tùng Sơn sang để chở về kho. Nặng như cối đá. Ở công ty có anh DũngTA giúp nâng đồ. Về kho thì có anh Hùng Sihan giúp đỡ đồ.

Xong xuôi, hai chị em chạy vội về Vicongdong. Gặp nhau vui vẻ tị ti, việc chính là đưa đĩa và cop tài liệu cho Đăng ở vtv4 làm chương trình Thanh niên. Niềm vui và công việc trộn lẫn và cứ ào ào. Không dám ở lại lâu vì chỉ còn 2 tiếng đồng hồ. Giờ mới thực sự hiểu cái câu “Chạy như bị chó đuổi” là thế nào. Như chó đuổi!

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét