Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Ý nghĩa của… một phần mười bát phở

(VOV) - Sau ba năm hoạt động, cái tên và ý nghĩa của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vẫn chưa được nhiều người thông tỏ.

Khi nói về mong muốn đẩy mạnh phong trào này, ông Ngô Tự Lập (Nhà văn, dịch giả, giảng viên ĐHQG Hà Nội) – Giám đốc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, bông đùa: “Mỗi người, trong mỗi năm hãy góp cho chúng tôi một phần mười bát phở”.

“Một phần mười bát phở”, nghe có vẻ không được “xuôi” lắm?

Tri thức không được đánh giá và tôn vinh thì những người tâm huyết cũng kiệt sức. Tri thức không được hưởng thụ thì cũng mau chóng rơi vào quên lãng.

Mục đích của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là kêu gọi xã hội cùng làm lợi cho chính xã hội. Nước ta có 86 triệu người, mỗi người mỗi năm bỏ ra một ngàn bảy (1.700 đồng) tức là khoảng 0,1 USD, cũng tức là một phần mười (1/10) bát phở, thì đã có hàng triệu đô la để làm nhiều việc cho đất nước. Vậy nên, mỗi người, trong mỗi năm góp cho chúng tôi một phần mười bát phở thì quá tuyệt vời!

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa ông?

Ông Ngô Tự Lập
Trong chiến tranh, quá trình hội nhập với thế giới – vốn đã được gây dựng bởi các học giả lớn đầu thế kỷ XX như Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Chu Trinh – bị đình trệ lại. Họ có nhu cầu canh tân đất nước để chúng ta nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những dân tộc tiền phong như cái cách người Nhật thời Minh Trị đã làm, nhưng chiến tranh quá lâu dài khiến chúng ta phải bỏ dở.

Bây giờ, chúng tôi lập Quỹ Phan Chu Trinh để huy động nhiệt huyết của mọi người, hỗ trợ chương trình dịch sách – một phong trào Duy tân thứ hai.

Đến năm 2009 rồi mà sinh viên vẫn phải học gạo với một vài tài liệu nghèo nàn. Giáo viên không có sách kinh điển để nghiên cứu, bổ sung bài giảng thì dù họ có tâm huyết thế nào cũng khó thay đổi phương pháp. Một trường Đại học tốt và đúng nghĩa phải có một thư viện chuẩn để người dạy và học có thể tiếp cận nhanh chóng với tri thức nhân loại.

Tôi đã từng lập một trung tâm dịch thuật và ngôn ngữ là Địa cầu Văn hóa, nhưng mình tôi thì không “gánh” nổi. Rồi chúng tôi đã in một lượng sách và đã phát hiện nhân tài, như Trần Tiễn Cao Đăng chẳng hạn (dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng khá nổi tiếng với nhiều bản dịch tiểu thuyết của nhà văn Nhật Haruki Murakami).

Sau đó, chúng tôi, một nhóm các trí thức Việt Nam mà đứng đầu là ông Chu Hảo – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đã cùng nhau lập Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh (hiện giờ là Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh). Dưới sự đứng đầu của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, chúng tôi thành lập nhà xuất bản Tri thức – một trong những nhà xuất bản hàng đầu Việt Nam mà về chất lượng, tôi cho rằng có thể nhắm mắt mà chọn sách của họ.

Trí tuệ nhân loại thì vô kể nhưng những cuốn quan trọng nhất trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn có khoảng 500 cuốn (cũng tương tự con số trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên). Chúng ta hiện mới dịch khoảng 50 cuốn, chủ yếu là Marx, Engel, Lenin, các nhà hiền triết Trung Hoa và một vài nhà tư tưởng phương Tây…

Khó nhất là việc lấy đâu ra người dịch, vì những người vừa giỏi (về cả ngôn ngữ, ngoại ngữ và văn hóa) vừa có tâm huyết là hiếm lắm. Mà dù người ta tâm huyết, cũng không biết lấy đâu ra tiền trả cho họ. Người giỏi thì nhiều nơi chèo kéo, dù họ có sẵn tâm huyết cũng phải tạo điều kiện tối thiểu để họ có thể sống được.

Tài chính phải chăng vẫn luôn là vấn đề khiến nhiều người đau đầu, thưa ông?

Đúng rồi. Việt Nam mình chưa có truyền thống tài trợ cho những dự án như thế này. Ở nhiều nước, ngành luật, ngành thuế rất ưu đãi với những đơn vị có định hướng phát triển văn hóa.

Tôi bắt đầu tiếp quản Quỹ bằng con số 0. Đến nay, số tiền trao thưởng và trả lương cho anh em vận hành rất tối thiểu vì phần lớn là do bạn bè ủng hộ. Quỹ cũng chưa có văn phòng. Ngoài trụ sở chính với diện tích khiêm tốn ở số 53 Nguyễn Du, chúng tôi được ủng hộ một phòng làm việc nhỏ tại Công ty Đồ họa Việt Nam. Hiện giờ chỉ 3 người có lương đủ sống tối thiểu. Hai phó Giám đốc thì không có lương. Còn Giám đốc (tức là tôi đấy) thì… âm lương!

Tiền tài trợ để trao giải thì phải đóng băng và không được đụng vào. Hội đồng 9 người chấm giải cũng không có lương. Giả sử có 5 triệu đồng thì mỗi giám khảo nhận được 500 ngàn, đâu có xứng đáng với toàn là những cây đại thụ, đọc bao nhiêu sách như vậy!. Đó là chưa kể Quỹ phải mua sách cho từng thành viên Hội đồng chấm.

Nhưng tôi nghĩ (và muốn) rằng Quỹ phải thay đổi, từ việc chỉ kêu gọi tài trợ thì nay cần phải tìm nguồn khác, thông qua việc bán chính tài sản mà chúng tôi có, đó là chất xám. Các dịch giả uyên thâm thì cao tuổi lắm rồi, họ không còn ở với chúng ta lâu nữa nên cần tận dụng nguồn trí tuệ đó.

Quỹ tổ chức các lớp học của Học viện Nhân dân để vừa phổ biến kiến thức, vừa gây quỹ. Những học viên danh dự sẽ tới học và trả học phí cho việc tổ chức lớp, cũng là tài trợ cho những bạn sinh viên, những người ít tiền tới nghe giảng, có cơ hội tiếp cận tri thức một cách thuận lợi.

Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh hoạt động như thế nào?

Có 4 chương trình chính mà nòng cốt là dịch những tác phẩm lớn của nhân loại sang tiếng Việt. Một loại nữa “mềm” hơn dành cho những người không chuyên là tủ sách dẫn nhập, cũng là sách của những tác giả đáng tin cậy nhưng diễn giải các tư tưởng, học thuyết đơn giản, dễ hiểu hơn. Loại thứ ba là tủ sách tri thức mới, giới thiệu những luồng tư tưởng, quan niệm mới trên toàn thế giới.

Song song với đó là chương trình đào tạo, tổ chức các lớp chuyên sâu mà chúng tôi mời các học giả trong và ngoài nước tới giảng.

Quỹ còn có chương trình khuyến khích, tôn vinh, hỗ trợ (một phần nào đó) những người nghiên cứu, các công trình thực thụ để họ có thể hoàn thành và công bố tác phẩm. Quỹ có một hệ thống giải thưởng mà trong đó, giải thường niên có tên là Tinh hoa Giáo dục Quốc tế nhằm tôn vinh những dịch phẩm có giá trị về giáo dục, có tác dụng thúc đẩy nền Giáo dục nước nhà.

Giải thưởng Việt Nam học – một trong những điểm nhấn trong việc mở rộng và phát triển của Quỹ, sẽ dành cho những công trình nghiên cứu đặc sắc của người nước ngoài về Văn hóa Việt Nam.

Giải Nghiên cứu nhằm tôn vinh những học giả có công trình nghiên cứu Văn hóa đặc sắc nhưng không nhất thiết về lĩnh vực cụ thể nào. Nếu như các Giáo sư Trần Đức Thảo, Cao Xuân Hạo, Từ Chi mà còn sống thì họ hoàn toàn xứng đáng nhận giải đó.

Tiêu chí xét giải là gì? Điều gì đảm bảo cho tính chính xác của Giải thưởng, thưa ông?

Đó là tác giả, tác phẩm phải ở trong giới hạn giải thưởng. Tác giả còn sống và các công trình thực sự có giá trị.

Hội đồng Khoa học của Quỹ có 9 thành viên, và mỗi lĩnh vực có hai chuyên gia hàng đầu thẩm định. Giải Tinh hoa Giáo dục Quốc tế có Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Trọng Do – chủ nhiệm khoa Quốc tế ĐHQG Hà Nội và Tiến sỹ Trương Đăng Dung – Phó Viện trưởng Viện Văn học, một trong những học giả hàng đầu về Lý luận Văn học ở Việt Nam hiện nay. Về Giải Việt Nam học, chúng tôi mời Giáo sư, nhà Sử học Phan Huy Lê – một trong những học giả hàng đầu về sử học và đi đầu nghiên cứu về Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, một nhà sử học nổi tiếng. Giải Nghiên cứu sẽ do cả 9 thành viên Hội đồng Khoa học của Quỹ quyết định.

Chúng tôi xét giải bằng năng lực, uy tín cá nhân, sự nhiệt huyết của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó, và công chúng đánh giá chất lượng của giải thông qua chính tác phẩm và tác giả được giải. Giải Tinh hoa Giáo dục Quốc tế đầu tiên được trao năm 2007 cho ông Bùi Văn Nam Sơn là một minh chứng cho điều đó.

Vậy thì Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thực sự mang ý nghĩa rất lớn…

Trước tiên là việc tổ chức một chương trình trao ba Giải thưởng và hòa nhạc gây quỹ vào cuối tháng 3 này. Thông tin đã cập nhật trên website http://www.quyphanchautrinh.org/, tuy chưa thật sự phong phú nhưng cũng khá đầy đủ.

Quỹ thì chỉ có thể làm một số việc thôi, nhưng đó sẽ là dấu hiệu, là thông điệp với xã hội rằng: ngoài những nỗ lực của Nhà nước, chúng ta cần có nỗ lực của bản thân để làm những việc tốt đẹp cho chính mình và con cháu mình!

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Nguyễn Hoàng Quỳnh Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét