Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2010

Yêu những MÙA ĐÔNG ẤM (p1)

Người ta bảo rằng “Có thức đêm mới biết đêm dài”. Tự thấy rằng có đi tới tận những nơi xa xôi mới thêm hiểu và yêu.

Tình yêu thật rộng lớn. Yêu mỗi con đường mà ta đi qua, dù đường là mấp mô hay là bằng phẳng. Yêu mỗi cành cây, ngọn cỏ và màu xanh thiên nhiên diệu kỳ của đất nước mình. Yêu những con người trong khó khăn, đói nghèo vẫn mang nụ cười lấp lánh. Yêu những người bạn thân thiết, gắn bó, đến với nhau bằng chính tình thương với cả cộng đồng. Mỗi bước chân trên con đường của riêng mình là thêm một yêu thương dịu ngọt.

Những ngày… quắn đít

Sát thời điểm lên CB mà còn không biết bao nhiêu việc. Nào giấy tờ, băng rôn, in ấn, chứng nhận, áo đồng phục, website, hậu cần, danh sách TNV… Nhưng khoản gay go nhất là phân loại quần áo. Ở vào cái thời điểm mà hầu hết TNV đang thi học kỳ hoặc đang học quân sự thì việc phân loại quả là như một trái bom hẹn giờ nằm chình ình ngả ngớn. Quần áo từ các kho lẻ cứ thế dồn về kho chính, cao ngất ngưởng và mỗi lúc một bộn bề như là thách thức.

Những ngày cuối cùng trước khi xuất phát hành trình, 12 con người bận rộn, đứa đi học, đứa đi làm vẫn cứ rộn ràng í ới gọi nhau tới phân loại quần áo cho kịp chuyến đi. Công ty ở 152 Thụy Khuê, ngay gần kho của MDA. Thế là cứ ngồi ở công ty độ nửa tiếng, nóng ruột, lại chạy sang kho giúp phân loại hơn một tiếng, rồi lại về công ty, lại sang kho. Cả ngày cứ như con thoi. Áo len cũng cởi phăng ra để mặc áo phông cộc tay đồng phục MDA. Mọi người nhìn thấy con bé mặc áo cộc trời đông thì hoảng hốt: “Khỏe thế!”.

Ngày 21 thì loay hoay “cài đặt” cho các anh chị vtv3 làm chương trình Công dân toàn cầu. Ai cũng vội cả. Hô hào ráo riết vừa mail vừa spam vừa yahoo vừa điện thoại và không loại trừ bất cứ đối tượng nào. Với tinh thần “thà spam nhầm còn hơn bỏ sót”, tin nhắn được phát tán tới gần 300 friends của tất cả những group “liên đới” như HGF, AJC, OJ24, MDA, Vicongdong, Volunteer, Những người bạn khác, Hầu như không liên lạc… Kết quả: hơn 10 người – con số không hề nhỏ trong thời điểm “khát nhân lực” này. Những chiếc bao tải bốc từ xe anh Hữu cứ lừ lừ tiến vào nhà anh Hùng Sihan. Kho dần đầy cũng là lúc lẩm nhẩm tính trong đầu thì mỗi buổi phải liên tục có tối thiểu dăm người ngồi phân loại mới xong kịp được.

2h sáng 25 xe tải xuất phát, thế mà chiều 23 vẫn còn tới vài chục bao tải chưa phân loại xong. Cái mớ bòng bong lộn nhộn quần quần áo áo, rồi khăn, tất, mũ… cả đồ mới xếp và đồ để lại nhìn cũng đã muốn ngất. Nhiều khi anh em phải bổ sung cụm từ “chí trá” trong quá trình phân loại, dù chả ai thích nó cả. Thế mà nhờ sự lao động cật lực của TNV, sự chèo kéo của Linh Long Sơn, sự thông tin nhanh chóng của UniQ, những con người nhỏ bé dốc toàn lực để phân loại xong toàn bộ đồ quyên góp trước 20h ngày 23/12.

Những cụm từ lặp lại tới mỏi cả tai là: “Thêm bao nữa đi”, “Rút bao đi”, “Nhét vào bao này”, “Nam 5-10 ở đâu?”, “Cái này nữ 10-15 à?”, “Tôi cũng chỉ biết ơ mà thôi”, “Hóa ra cũng chỉ là tin đồn”. Đặc biệt, giọng hét chua lòm của em Quỳnh và tiết mục adua “Kinh kinh tởm tởm” với em Tâm khiến cho tất cả cười nhức cả đầu.

Phân loại và đóng bao xong, tính ra được 120 bao tròn trịa. Xếp gọn, quét tước rồi họp Ban điều phối ngay tại kho. Những ngày này trông ai cũng phờ phạc dù miệng vẫn cười toe. Thấy những yêu thương và chia sẻ đang hầm hập sức nóng, trôi chảy trong những con người mà tuổi đời chưa ai quá 27.

Tuấn ngố trông lúc nào cũng ngố ngố, bần thần. Tùng Sơn lúc nào cũng xơ xác như chạy chợ, đầu tóc bù xù, râu ria lún phún, nụ cười già hơn tuổi. Long yêu độ này ốm o, tiều tụy một chút nhưng cái mồm vẫn hót như yểng. Linhye vẫn giữ cái vẻ nửa tây nửa dân tộc, mỗi năm sản xuất ra một số “phát ngôn” kinh điển và luôn được bà con trưng dụng triệt để như câu cửa miệng. Deb bận rộn với đủ thứ hóa đơn và hậu cần lỉnh kỉnh nhưng vẫn lắm mồm, vác theo cả con Fox Bobby. Deb đi đâu Bobby theo đó, cứ đứng chình ình giữa hai chân Deb. “Bobby chắc thích bắt bướm”.

Họp ở kho bị đuổi, lại dạt ra trà đá, xong đói, lại dạt về quán bánh bột lọc làm mỗi thằng một bát nóng bốc khói. Cũng ra một số vấn đề để giải quyết trong ngày hôm sau. Vào thời điểm này thì danh sách TNV chưa chốt nên chưa làm bảo hiểm được, chưa in thẻ được. Lịch trình cũng chưa thực sự rõ ràng. Cái gì cũng dở dang sao ấy.

Ngày 24, buổi sáng tất tả đi làm, quắn hết cả đít lên vì chuẩn bị giấy tờ, làm báo cáo truyền thông, chuẩn bị nhạc nếu phát sinh giao lưu địa phương. Liên tục “tác vụ” điện thoại từ Tuấn, Sơn và Deb cứ như thầy u mình thời chiến. Hẹn bà buôn chăn là 152 Thụy Khuê thì bà ấy “mù tịt” về đường xá, chạy sang… Khâm Thiên (chả liên quan!), mà Khâm Thiên lại còn có đoạn không cho xe tải vào mới đau chứ, lại còn đúng giờ tắc đường chứ. Thế là ngóng dài cổ từ 9h, bắt Sơn với Thuận đợi mòn mỏi mà phải 10h30 chăn mới tới.

Vứt chăn ngoài đường cho hai ông tướng lo. Nhảy lên… thùng của cái xe tải chăn (loại xe 7 tạ) cùng với bà buôn chăn để đi thanh toán với nhà tài trợ bên Trần Quốc Toản. Ông tài xế bịt thùng xe kín mít với cửa và bạt. Tối om. Xung quanh là ngồn ngộn những chăn bông với gối, xô lệch liên tục, mấy lần bị cả cọc chăn 12 chiếc táng vào đầu. Lắc lư. Đã thế, ông lái xe cùng ấm ớ về khoản đường xá, chốc chốc lại phải gọi điện từ thùng xe ra ngoài để chỉ đường. Đến nơi, vén miếng bạt ra, bao nhiêu người nhòm ngó vì tưởng ông tài xế đi… buôn gái! Thanh toán xong, nhảy xe ôm 25 nghìn về Công ty. Lúc ấy hơn 11h, có một cái hẹn ăn trưa – khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi quý giá nhất và duy nhất trong ngày.

Đến chiều thì chờ tiền ở Công ty ủng hộ chương trình và mua được 1.500 quyển vở Hồng Hà. Các chị ở ban PR, ISO và Công đoàn đã vất vả chạy quyên góp (chóc nã tiền), người thì gọi điện check giá, tự dưng thấy mình bé bỏng mà lại như là trung tâm chăm sóc của các anh chị.

Gọi vở vài chỗ, chỗ nào cũng kêu là kho hiện không có đủ từng ấy. Chắc thời điểm này lỡ cỡ, không phải năm học mới. Mãi thì Hồng Hà ở Kim Mã bảo rằng có. Ông xe ôm chở hàng tới. Đường Hà Nội đúng lúc tắc đường, lại dính Noel nên phố phường nhộn nhịp từ giữa buổi chiều. Trời tối dần. Nắng tắt. Gió lạnh, và lạnh hơn khi ở gần hồ Tây. Đợi hai lượt chuyển vở đến gần 7h mới đủ 1.500 cuốn. Gọi Tùng Sơn sang để chở về kho. Nặng như cối đá. Ở công ty có anh DũngTA giúp nâng đồ. Về kho thì có anh Hùng Sihan giúp đỡ đồ.

Xong xuôi, hai chị em chạy vội về Vicongdong. Gặp nhau vui vẻ tị ti, việc chính là đưa đĩa và cop tài liệu cho Đăng ở vtv4 làm chương trình Thanh niên. Niềm vui và công việc trộn lẫn và cứ ào ào. Không dám ở lại lâu vì chỉ còn 2 tiếng đồng hồ. Giờ mới thực sự hiểu cái câu “Chạy như bị chó đuổi” là thế nào. Như chó đuổi!

(Còn tiếp)

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Quảng bá kịch trên Internet

TPO - Giúp giải quyết tình trạng “vắng khách” xem kịch, Nhà hát Tuổi trẻ đã tận dụng công nghệ Internet và kết hợp với một mạng xã hội online để công chúng trong nước và quốc tế tự do chọn lựa.

Dưới đây là cuộc trò chuyện của phóng viên TPO và ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.

Nhà hát Tuổi trẻ đã biết “nắm lấy” công nghệ từ khi nào?

Năm 2003, chúng tôi cho ra đời website http://www.nhahattuoitre.com/ nhằm cung cấp thông tin về Nhà hát, các chương trình biểu diễn, thu nhận ý kiến khán giả và hỗ trợ đặt vé trực tuyến. Tồn tại đã 5 năm nhưng website vẫn còn khá mỏng về nội dung, tính tương tác chưa cao, hiệu quả xã hội còn mờ nhạt.

Nhà hát Tuổi trẻ có thể làm gì để khắc phục điều đó?

Chúng tôi đã hợp tác với mạng xã hội http://www.tamtay.vn/, một mạng xã hội online, có phương tiện kỹ thuật và công nghệ. Trang web này giúp chúng tôi đăng clip chương trình, những đoạn demo để cung cấp thêm thông tin cho khán giả, khiến họ tò mò hơn, thích thú hơn.

Kết quả thông qua lượng truy cập tăng lên thấy rõ cũng như nhiều phản hồi tích cực từ các blogger, các nhóm như Bàn tay ấm, Người Việt trẻ,... Vở Bến bờ xa lắc đã nhận được tới 200 lượt truy cập.

Như thế thì nghệ thuật sẽ không “chết cứng” bởi nó có sự tương tác và điều tiết cho phù hợp với thị hiếu người xem.

Vậy Nhà hát Tuổi trẻ đã “chiều lòng khán giả” ở mọi phương diện?

Không hẳn như thế. Chúng tôi hướng tới những khán giả có tính chọn lọc, tức là các bạn trẻ có tri thức hiện đại và có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật một cách nghiêm túc.

Bản thân mạng tamtay.vn cũng có kênh của nhiều trường Đại học – Cao đẳng tại Hà Nội, vì thế chúng tôi càng có cơ hội tiếp cận với tầng lớp sinh viên nhiều hơn.

Nhà hát sẽ còn tận dụng nhiều hơn các công cụ đa phương tiện như biểu diễn trực tuyến, giao lưu trực tuyến, lập câu lạc bộ khán giả trên website kết hợp.

Khách hàng được tặng vé và hưởng lợi ích, thế nhưng tại sao các Nhà hát hiện nay vẫn cứ vắng khách?

Sân khấu hiện nay đang có sự phân hóa, có những Nhà hát mạnh lên hoặc yếu đi, xuất phát từ việc tiếp cận thị trường, từ khâu marketing trong nghệ thuật biểu diễn.

Khi chú ý tới việc xây dựng thương hiệu thì chúng tôi đã nâng thêm lực lượng khán giả trung thành. Ví dụ trước đây, chúng tôi có gần 300 khán giả “ruột” thì năm 2006 – 2007 con số đã lên hơn gấp đôi.

Kết hợp với tamtay.vn cũng là một phần trong chiến dịch xây dựng lực lượng khán giả lâu dài, giúp họ tạo thói quen xem rạp, nhất là giáo dục học nghệ thuật ở trẻ em.

Khi mỗi người, từ nhỏ đã có nền hiểu biết nghệ thuật nhất định, họ sẽ có cơ hội tiếp cận một cách tự nhiên đối với các loại hình nghệ thuật kinh điển như opera, ballet, kịch,... và trở thành những khán giả đích thực”

Xin cảm ơn ông và chúc Nhà hát Tuổi trẻ sẽ có thêm nhiều thành công!

Nguyễn Hoàng Quỳnh Hương

Ý nghĩa của… một phần mười bát phở

(VOV) - Sau ba năm hoạt động, cái tên và ý nghĩa của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vẫn chưa được nhiều người thông tỏ.

Khi nói về mong muốn đẩy mạnh phong trào này, ông Ngô Tự Lập (Nhà văn, dịch giả, giảng viên ĐHQG Hà Nội) – Giám đốc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, bông đùa: “Mỗi người, trong mỗi năm hãy góp cho chúng tôi một phần mười bát phở”.

“Một phần mười bát phở”, nghe có vẻ không được “xuôi” lắm?

Tri thức không được đánh giá và tôn vinh thì những người tâm huyết cũng kiệt sức. Tri thức không được hưởng thụ thì cũng mau chóng rơi vào quên lãng.

Mục đích của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là kêu gọi xã hội cùng làm lợi cho chính xã hội. Nước ta có 86 triệu người, mỗi người mỗi năm bỏ ra một ngàn bảy (1.700 đồng) tức là khoảng 0,1 USD, cũng tức là một phần mười (1/10) bát phở, thì đã có hàng triệu đô la để làm nhiều việc cho đất nước. Vậy nên, mỗi người, trong mỗi năm góp cho chúng tôi một phần mười bát phở thì quá tuyệt vời!

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa ông?

Ông Ngô Tự Lập
Trong chiến tranh, quá trình hội nhập với thế giới – vốn đã được gây dựng bởi các học giả lớn đầu thế kỷ XX như Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Chu Trinh – bị đình trệ lại. Họ có nhu cầu canh tân đất nước để chúng ta nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những dân tộc tiền phong như cái cách người Nhật thời Minh Trị đã làm, nhưng chiến tranh quá lâu dài khiến chúng ta phải bỏ dở.

Bây giờ, chúng tôi lập Quỹ Phan Chu Trinh để huy động nhiệt huyết của mọi người, hỗ trợ chương trình dịch sách – một phong trào Duy tân thứ hai.

Đến năm 2009 rồi mà sinh viên vẫn phải học gạo với một vài tài liệu nghèo nàn. Giáo viên không có sách kinh điển để nghiên cứu, bổ sung bài giảng thì dù họ có tâm huyết thế nào cũng khó thay đổi phương pháp. Một trường Đại học tốt và đúng nghĩa phải có một thư viện chuẩn để người dạy và học có thể tiếp cận nhanh chóng với tri thức nhân loại.

Tôi đã từng lập một trung tâm dịch thuật và ngôn ngữ là Địa cầu Văn hóa, nhưng mình tôi thì không “gánh” nổi. Rồi chúng tôi đã in một lượng sách và đã phát hiện nhân tài, như Trần Tiễn Cao Đăng chẳng hạn (dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng khá nổi tiếng với nhiều bản dịch tiểu thuyết của nhà văn Nhật Haruki Murakami).

Sau đó, chúng tôi, một nhóm các trí thức Việt Nam mà đứng đầu là ông Chu Hảo – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đã cùng nhau lập Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh (hiện giờ là Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh). Dưới sự đứng đầu của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, chúng tôi thành lập nhà xuất bản Tri thức – một trong những nhà xuất bản hàng đầu Việt Nam mà về chất lượng, tôi cho rằng có thể nhắm mắt mà chọn sách của họ.

Trí tuệ nhân loại thì vô kể nhưng những cuốn quan trọng nhất trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn có khoảng 500 cuốn (cũng tương tự con số trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên). Chúng ta hiện mới dịch khoảng 50 cuốn, chủ yếu là Marx, Engel, Lenin, các nhà hiền triết Trung Hoa và một vài nhà tư tưởng phương Tây…

Khó nhất là việc lấy đâu ra người dịch, vì những người vừa giỏi (về cả ngôn ngữ, ngoại ngữ và văn hóa) vừa có tâm huyết là hiếm lắm. Mà dù người ta tâm huyết, cũng không biết lấy đâu ra tiền trả cho họ. Người giỏi thì nhiều nơi chèo kéo, dù họ có sẵn tâm huyết cũng phải tạo điều kiện tối thiểu để họ có thể sống được.

Tài chính phải chăng vẫn luôn là vấn đề khiến nhiều người đau đầu, thưa ông?

Đúng rồi. Việt Nam mình chưa có truyền thống tài trợ cho những dự án như thế này. Ở nhiều nước, ngành luật, ngành thuế rất ưu đãi với những đơn vị có định hướng phát triển văn hóa.

Tôi bắt đầu tiếp quản Quỹ bằng con số 0. Đến nay, số tiền trao thưởng và trả lương cho anh em vận hành rất tối thiểu vì phần lớn là do bạn bè ủng hộ. Quỹ cũng chưa có văn phòng. Ngoài trụ sở chính với diện tích khiêm tốn ở số 53 Nguyễn Du, chúng tôi được ủng hộ một phòng làm việc nhỏ tại Công ty Đồ họa Việt Nam. Hiện giờ chỉ 3 người có lương đủ sống tối thiểu. Hai phó Giám đốc thì không có lương. Còn Giám đốc (tức là tôi đấy) thì… âm lương!

Tiền tài trợ để trao giải thì phải đóng băng và không được đụng vào. Hội đồng 9 người chấm giải cũng không có lương. Giả sử có 5 triệu đồng thì mỗi giám khảo nhận được 500 ngàn, đâu có xứng đáng với toàn là những cây đại thụ, đọc bao nhiêu sách như vậy!. Đó là chưa kể Quỹ phải mua sách cho từng thành viên Hội đồng chấm.

Nhưng tôi nghĩ (và muốn) rằng Quỹ phải thay đổi, từ việc chỉ kêu gọi tài trợ thì nay cần phải tìm nguồn khác, thông qua việc bán chính tài sản mà chúng tôi có, đó là chất xám. Các dịch giả uyên thâm thì cao tuổi lắm rồi, họ không còn ở với chúng ta lâu nữa nên cần tận dụng nguồn trí tuệ đó.

Quỹ tổ chức các lớp học của Học viện Nhân dân để vừa phổ biến kiến thức, vừa gây quỹ. Những học viên danh dự sẽ tới học và trả học phí cho việc tổ chức lớp, cũng là tài trợ cho những bạn sinh viên, những người ít tiền tới nghe giảng, có cơ hội tiếp cận tri thức một cách thuận lợi.

Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh hoạt động như thế nào?

Có 4 chương trình chính mà nòng cốt là dịch những tác phẩm lớn của nhân loại sang tiếng Việt. Một loại nữa “mềm” hơn dành cho những người không chuyên là tủ sách dẫn nhập, cũng là sách của những tác giả đáng tin cậy nhưng diễn giải các tư tưởng, học thuyết đơn giản, dễ hiểu hơn. Loại thứ ba là tủ sách tri thức mới, giới thiệu những luồng tư tưởng, quan niệm mới trên toàn thế giới.

Song song với đó là chương trình đào tạo, tổ chức các lớp chuyên sâu mà chúng tôi mời các học giả trong và ngoài nước tới giảng.

Quỹ còn có chương trình khuyến khích, tôn vinh, hỗ trợ (một phần nào đó) những người nghiên cứu, các công trình thực thụ để họ có thể hoàn thành và công bố tác phẩm. Quỹ có một hệ thống giải thưởng mà trong đó, giải thường niên có tên là Tinh hoa Giáo dục Quốc tế nhằm tôn vinh những dịch phẩm có giá trị về giáo dục, có tác dụng thúc đẩy nền Giáo dục nước nhà.

Giải thưởng Việt Nam học – một trong những điểm nhấn trong việc mở rộng và phát triển của Quỹ, sẽ dành cho những công trình nghiên cứu đặc sắc của người nước ngoài về Văn hóa Việt Nam.

Giải Nghiên cứu nhằm tôn vinh những học giả có công trình nghiên cứu Văn hóa đặc sắc nhưng không nhất thiết về lĩnh vực cụ thể nào. Nếu như các Giáo sư Trần Đức Thảo, Cao Xuân Hạo, Từ Chi mà còn sống thì họ hoàn toàn xứng đáng nhận giải đó.

Tiêu chí xét giải là gì? Điều gì đảm bảo cho tính chính xác của Giải thưởng, thưa ông?

Đó là tác giả, tác phẩm phải ở trong giới hạn giải thưởng. Tác giả còn sống và các công trình thực sự có giá trị.

Hội đồng Khoa học của Quỹ có 9 thành viên, và mỗi lĩnh vực có hai chuyên gia hàng đầu thẩm định. Giải Tinh hoa Giáo dục Quốc tế có Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Trọng Do – chủ nhiệm khoa Quốc tế ĐHQG Hà Nội và Tiến sỹ Trương Đăng Dung – Phó Viện trưởng Viện Văn học, một trong những học giả hàng đầu về Lý luận Văn học ở Việt Nam hiện nay. Về Giải Việt Nam học, chúng tôi mời Giáo sư, nhà Sử học Phan Huy Lê – một trong những học giả hàng đầu về sử học và đi đầu nghiên cứu về Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, một nhà sử học nổi tiếng. Giải Nghiên cứu sẽ do cả 9 thành viên Hội đồng Khoa học của Quỹ quyết định.

Chúng tôi xét giải bằng năng lực, uy tín cá nhân, sự nhiệt huyết của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó, và công chúng đánh giá chất lượng của giải thông qua chính tác phẩm và tác giả được giải. Giải Tinh hoa Giáo dục Quốc tế đầu tiên được trao năm 2007 cho ông Bùi Văn Nam Sơn là một minh chứng cho điều đó.

Vậy thì Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thực sự mang ý nghĩa rất lớn…

Trước tiên là việc tổ chức một chương trình trao ba Giải thưởng và hòa nhạc gây quỹ vào cuối tháng 3 này. Thông tin đã cập nhật trên website http://www.quyphanchautrinh.org/, tuy chưa thật sự phong phú nhưng cũng khá đầy đủ.

Quỹ thì chỉ có thể làm một số việc thôi, nhưng đó sẽ là dấu hiệu, là thông điệp với xã hội rằng: ngoài những nỗ lực của Nhà nước, chúng ta cần có nỗ lực của bản thân để làm những việc tốt đẹp cho chính mình và con cháu mình!

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Nguyễn Hoàng Quỳnh Hương

Yêu thơ trên blog

TPO - Từ những vần điệu viết tay trên trang giấy ố màu, đến những con chữ đều đặn trên sách in, giờ đây, “nàng thơ” bước chân lên blog.

Giữa kỷ nguyên công nghệ số, những dòng thơ trên blog dường như có phần lấn át thơ in, nhà thơ viết blog như một thú vui bạn bè thường thấy, cũng là món quà cho những người nặng lòng với thơ.

Ghé thăm vanchuong.vnweblogs.com mới thấy đời sống thơ ca thật “rôm rả”. Những cái tên như Nguyễn Trọng Tạo, Lương Hoàng Hưng, Hoàng Cát, Bùi Quang Thanh, Vũ Thanh Hoa, Hoàng Thanh Trang, Hạnh Ngân, Huỳnh Thúy Kiều,... xuất hiện “như cơm bữa”.

Mỗi trang blog là một cá tính, một phong cách, một hồn thơ dạt dào, và một mong muốn đem thơ đến gần hơn với bạn đọc trên mạng.


Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Blog là của Trời cho”

Khi xem blog của 2 nhà thơ Văn Công Hùng và Đào Phong Lan, tôi thấy thú vị quá, thế là Đào Phong Lan tặng tôi cái blog trên cùng trang chủ vnweblogs.com vào tháng 3/2007, với ảnh và thơ tôi. Tôi hết sức ngạc nhiên! Hóa ra cần một trang riêng trên mạng cũng thật dễ. Blog đúng là của trời cho.

Tôi có 3 blog: nguyentrongtao.vnweblogs.com, saoviet.vnweblogs.com và Hội Ngộ Văn Chương.

Một diễn đàn cá nhân, một để làm kho lưu trữ, một làm diễn đàn chung. Tôi rất thích những comment nhận xét mang tính cảm xúc hoặc học thuật về tác phầm và các vấn đề văn học nghệ thuật hay xã hội.

Tôi cũng lưu ý những comment mang thông tin cá nhân, còn đối với những gì nằm trong khuôn khổ “húy kỵ” cá nhân, tôi để ngỏ email và điện thoại. Đó là cách ứng xử văn hóa và danh chính ngôn thuận cần thiết đối với các thành viên mạng.

Vì thế, các blog của tôi nói chung được tôn trọng, làm nảy sinh những tình cảm tốt đẹp, thiện chí. Tôi rất vui về những blog của tôi.

Hình như Nguyễn Trọng Tạo rất “mặn mà” với việc phát triển “Thơ blog”?

Mỗi ngày có hàng vạn bài thơ được tung lên blog thì đó đúng là cái kho quặng. Vì thơ hay luôn luôn hiếm như vàng vậy. Khi chưa có blog, thơ đã đến với công chúng bằng nhiều con đường: In báo, xuất bản sách, phát qua đài, giao lưu đọc thơ, sân khấu, v.v... Nhưng lên mạng thì sướng hơn cả, vì tác giả chủ động và nhận được phản hồi ngay của bạn đọc, nhà thơ được đối thoại thoải mái.

Blog là một nhịp cầu rất ngắn nối Tác giả - Thơ - Công chúng. Mở trang Hội Ngộ Văn Chương (vanchuong.vnweblogs.com), tôi cũng chú trọng những xu hướng tìm tòi mới mẻ của Thơ nên được khá nhiều bạn đọc và nhà thơ hưởng ứng, đó là một weblog được đọc nhiều nhất trong làng. Tiếc là thời gian hạn hẹp nên chưa tập trung đẩy các vấn đề về thơ mạnh mẽ và thiết thực hơn.

Với Nguyễn Trọng Tạo, có phải là “Yêu = Thơ, Thơ = Yêu” không?

Làm thơ là trình bày tâm hồn và tư tưởng. Tâm hồn phải thanh lọc, còn tư tưởng thì không phải bài thơ nào cũng có. Tư tưởng mới luôn luôn thiếu. Vì thế, nếu thơ mang tư tưởng mới, chắc chắn sẽ gây được chú ý.

Nếu chỉ yêu là yêu thì thơ yêu tràn ngập, nhưng những bài thơ tình hay bao giờ cũng mang theo nó triết lý nhân sinh mới.


Nhà thơ Hoàng Cát: “Tôi là một blogger hạnh phúc!”

Tôi đưa thơ của mình lên blog khoảng giữa năm 2007. Đó là một cách để có thêm bạn bè văn chương, cũng là bạn thật sự ngoài đời thường, san sẻ, an ủi nhau trong cuộc sống tinh thần.

Đôi khi tôi viết trực tiếp, đôi khi đưa bài đã có lên, nhưng bao giờ cũng nghiêm túc như một sự lao động thi ca suốt đời mình. Blog là một thế giới bầu bạn trong thi ca và cuộc sống. Tôi sống trên blog hết sức chân thành, cởi lòng cởi dạ với mọi người.

Tôi được rất nhiều các bạn bloggers yêu thương, quý mến. Trên mạng vn.weblogs có hơn 60 ngàn lượt người truy cập, tìm đọc các bài thơ của tôi. Tôi sung sướng vô cùng, hạnh phúc vô cùng! Tôi cảm thấy mình là một bloger thật hạnh phúc!

Tôi có bổn phận phải sống tốt hơn nữa với cuộc đời này để không phụ những tình cảm cao quý và đằm thắm mà rất nhiều người xa gần trên đời này dành cho tôi.

Nghệ sỹ đã “có tuổi” mà chơi blog thì “trẻ” quá chăng?

Ồ, ai cũng biết rằng một trong những cái thiêng liêng bậc nhất của mỗi con người chúng tra là tuổi trẻ. Vậy mà nó lại rất có hạn và mau chóng bị thời gian cướp đoạt mất không nương tay. Cho nên, đối với các nhà thơ, cái cần duy trì và kéo dài càng lâu càng tốt, đó là sức trẻ của tâm hồn.

Hơn nữa, một trái tim thơ chân chính luôn biết cùng vui, cùng buồn, cùng hy vọng hay thất vọng với cộng đồng. Vì thế, chưa bao giờ và không khi nào tôi lại sợ thơ mình trẻ quá so với tuổi.

Có khi nào ông thấy đâu đó đôi ba nghệ sỹ (có thể gọi là) dùng blog để tự “đánh bóng” mình?

Blog là sân chơi tự do, rộng rãi trên một chuẩn văn hoá ứng xử nhất định với nhau, tôi nghĩ, không ai cần đánh bóng mình làm gì. Với những người chân chính, thì làm thơ, (dù làm trên blog hay bất cứ đâu) là làm một công việc có thể không thành công, có đi mà không có đến, nhưng ít nhất nó cũng giúp cho người viết “thành Nhân”.

Tất nhiên, trên blog hiện nay có nhiều bài thơ dở, đó là điều hoàn toàn bình thường, vì rằng, viết được một câu thơ thật hay, một bài thơ thật hay là khó vô cùng. Trời cho ai thì người ấy hưởng, cái nào hay thì tự thân còn lại, cái nào dở thì mau chóng bị lãng quên.

Đến một lúc nào đó chắc chắn sẽ có người sưu tầm, sàng lọc và lưu giữ những vần thơ đẹp, lẽ nào ta không thể thấy lấp lánh vàng và kim cương trong cái “Đại dương blog thi ca” ấy ư?.

Nói riêng về thơ, hình như trong Hoàng Cát chỉ có hai thứ tình cảm là “Bạn bè” và “Tình yêu”?

Quả thật không có một trong hai thứ tình cảm ấy, tôi không sống được, và cũng chả nên sống như thế mà làm gì!

Sống trên thế gian này, người ta có thể không có vợ (hoặc chồng) chứ chắc chắn không có bất cứ ai lại không có bạn cả! Tôi đã từng viết những câu thơ:”Tôi sống được nhờ vào lòng bè bạn/ Như nắng mùa đông, như gió mùa hè/ Như cốc nước làm vợi đi cơn khát/ Như bản nhạc buồn ru dịu những đêm khuya…”.

Tôi yêu quý, tôn trọng hết mực các bạn mà tôi có. Không bao giờ tôi mảy may dám xúc phạm các bạn tôi, bất luận trong hoàn cảnh nào. Tôi yêu bạn tôi như bản thân mình!

Còn tình yêu ư? Tình yêu muôn năm!!! Trong những điều kỳ diệu nhất mà Thượng Đế ban cho con người có thể được hưởng, thì tình yêu nam nữ chắc chắn là điều siêu tuyệt vời nhất, siêu mê ly nhất, siêu mầu nhiệm nhất!

Có khi ta yêu thật sự trong đời, có khi vì bổn phận gia đình và đạo lý thường tình, ta đành thầm yêu trộm nhớ trong tưởng tượng. Đừng nghĩ rằng yêu thầm trong tưởng tượng là không say đắm đâu! Nhiều khi nó đẹp mãi, tương tư mãi, đắm say mãi. Và thật nhiệm màu, nó khiến cho ta sống cao đẹp lên rất nhiều!

Bài thơ “Tôi yêu em” của tôi in trong tuyển tập Thơ tình Việt Nam thế kỷ XX , NXB Quân đội nhân dân, 2000) – tôi đã viết “Tôi yêu em. Tôi đã yêu em/ Và tôi đã hôn em trong hương gió/ Em bình dị mà âm thầm sức lửa/ Toả nồng say cho trái tim tôi…”. Cho dù tôi chỉ dám hôn người mình yêu xa xa qua làn gió trời thôi, nhưng trong tâm hồn tôi, tình yêu ấy chưa bao giờ phôi pha".


Nhà thơ Vũ Thanh Hoa: “Tôi rất biết ơn blog”

Tôi được nhà thơ Lê Huy Mậu rủ chơi blog cách đây 1 năm, ban đầu là trên blog tiếng Việt, sau đó là “căn nhà blog” bên vnweblogs mà blogger Nguyên Hùng dựng hộ. Đó là nơi tôi chia sẻ niềm đam mê văn chương với mọi người.

Có nhiều cách để đem thơ đến gần công chúng nhưng tiếp cận thơ qua blog là một cách hiện đại, nhanh chóng và phù hợp với giới trẻ, những người làm văn phòng, công sở, những nhà báo, nhà nghiên cứu… Viết blog cũng là một cách tiếp cận hay và mới về một đời sống “ảo mà thực” với tất cả mọi người, trong đó có nhà thơ.

Đọc thơ chị trên blog thì thấy dường như blog là nơi chứa đựng rất nhiều tâm tình và cái nhìn cuộc sống mới mẻ của chị.

Tôi viết văn từ 8 tuổi và thường là thể loại truyện ngắn, sau này tôi mới sáng tác nhiều thơ. Tôi thích khám phá nhiều cách thể hiện thơ và tìm tòi nhiều đề tài sáng tác.

Nhiều người cho rằng làm thơ trên blog thì viết sao cũng được. Còn với riêng tôi, dù viết tặng con hay viết về một cảm xúc bất chợt, tôi đều ý thức rằng đó là một việc rất nghiêm túc và không chỉ riêng mình đọc.

Mỗi khi viết xong và post lên, tôi hồi hộp và vinh dự đón mọi người vào đọc cũng như góp ý, và tôi vui sướng vui vô cùng khi đọc và trả lời họ.

Blog đã cho tôi được quen biết nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo, họa sỹ, nhạc sỹ… nổi tiếng cũng như những người bạn đủ mọi lứa tuổi thật chân tình. Cảm hứng sáng tác của tôi cũng dồi dào hơn khi viết trên mạng. Tôi rất biết ơn blog!

Hiện nay trên các blog cũng có nhiều người làm thơ. Chị có thường xuyên lướt web để tìm những “nụ thơ” mới không?

Tôi rất vui khi thấy mọi người trên vnweblogs luôn trình làng những bài thơ mới. Đó là món ăn tinh thần chung của cả “làng blogs”. Tôi có rất ít thời gian để xem cụ thể từng trang blog nhưng vẫn cố gắng mỗi ngày ít nhất một lần lướt qua các bài mới post lên.

Tôi rất thán phục thơ của các bạn trẻ và có viết bài “Những nụ hoa Blog” về các bloggers nữ trẻ trên vnweblogs. Tôi rất ấn tượng khi đọc các bài thơ của một số bloggers nữ như Huỳnh Thúy Kiều, Hoa Nắng, Hoàng Thanh Trang... Hình như những tác giả nữ gần đây thường xuất hiện ấn tượng hơn.

Xin cảm ơn và chúc các nhà thơ Việt Nam sẽ có nhiều tác phẩm thơ đẹp, chúc Hội ngộ văn chương sẽ luôn là mảnh đất lành cho Thơ!

Nguyễn Hoàng Quỳnh Hương